Bệnh Gout: Nguyên Nhân, Cách Điều Trị Và Phòng Ngừa Hiệu Quả

5/5 - (7 bình chọn)

Gút là bệnh xương khớp phổ biến hiện nay, có tỷ lệ người mắc khá cao và thường xuất hiện ở người trung niên, cao tuổi. Ngoài làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống, hiện tượng này còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho cơ thể, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh gout trong bài viết dưới đây. 

Bệnh gout là bệnh gì? Phân loại cụ thể

Bệnh gout hay bệnh gút còn được gọi là thống phong. Đây là một dạng viêm khớp thường gặp nhất, hình thành do rối loạn chuyển hóa nhân purin ở thận, từ đó thận không đảm bảo được chức năng lọc axit uric từ trong máu khiến chúng tích tụ với hàm lượng cao. Lúc này tinh thể nhỏ của axit uric xuất hiện, tập trung chủ yếu ở các khớp, gây ra hiện tượng sưng, viêm.

Bệnh gout hình thành do rối loạn chuyển hóa nhân purin ở thận
Bệnh gout hình thành do rối loạn chuyển hóa nhân purin ở thận

Bệnh gout được đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp kéo dài và tái phát liên tục. Người bị gút sẽ cảm nhận được những cơn đau đột ngột giữa đêm. Khi đợt viêm khớp cấp bùng phát, các khớp sẽ sưng đỏ, nhất là ở khớp ngón chân cái hoặc bàn chân, mắt cá chân, ngón tay, đầu gối, thậm chí là cột sống.

Theo thống kê, số lượng bệnh nhân bị gout là nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là đối tượng từ 30 tuổi trở lên. Tuy nhiên có một số trường hợp có khả năng cao bị gút hơn cả, đó là:

  • Trung niên và người cao tuổi.
  • Trong gia đình có người từng bị gút.
  • Đối tượng béo phì.
  • Người bị huyết áp cao.
  • Trường hợp suy thận.
  • Người có chế độ ăn thiếu lành mạnh, ăn quá nhiều chất đạm, hải sản.
  • Đối tượng bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật.
  • Người mắc bệnh lý nền như tim, thận, đái tháo đường, huyết áp, bệnh truyền nhiễm.
  • Lạm dụng nhiều thuốc lợi tiểu, aspirin, cyclosporine, thuốc hóa trị liệu,….

Gout tiến triển theo nhiều giai đoạn khác nhau, dựa vào đó, người ta chia thành các loại bệnh gout như sau:

  • Giai đoạn 1 – Tăng axit uric máu không triệu chứng: Ở giai đoạn này, một số trường hợp bị tăng nồng độ axit uric trong máu nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào bất thường ra bên ngoài. Khi đó các tinh thể urat có thể lắng đọng trong mô, gây tổn thương nhẹ, tuy nhiên người bệnh chưa cần can thiệp điều trị. Thông thường để phát hiện sự tăng lên của nồng độ axit uric, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu.
  • Giai đoạn 2 – Gout cấp tính: Lúc này, tinh thể urat lắng đọng có cấu trúc nhỏ, cứng, sắc nhọn. Chúng cọ xát vào lớp niêm mạc mềm của khớp – bao hoạt dịch gây sưng, đau, thậm chí viêm nhiễm và tạo thành các đợt gout cấp. Trong trường hợp bệnh nhân căng thẳng, sử dụng chất kích thích hoặc nhiễm lạnh, các triệu chứng của gút sẽ xuất hiện.
Gout cấp gây sưng viêm, đau nhức cho người bệnh
Gout cấp gây sưng viêm, đau nhức cho người bệnh
  • Giai đoạn 3 – Gout mạn tính: Gout mãn tính là giai đoạn giữa của các đợt gout cấp, có thể bùng phát sau vài tháng hoặc vài năm tùy tình hình sức khỏe, chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân. Ở giai đoạn này, các tinh thể urat vẫn tiếp tục lắng đọng, tích tụ trong các mô cơ thể.
  • Giai đoạn 4 – Gout mãn tính có biến chứng: Gout ban đầu nếu không được can thiệp sẽ dẫn đến giai đoạn mãn tính có biến chứng, gây suy nhược, cản trở khả năng vận động và khiến người bệnh cảm thấy phiền toái. Lúc này, xung quanh các khớp hoặc cơ, thậm chí là thận xuất hiện các hạt tophi, gây tổn thương nghiêm trọng cho các bộ phận này. Về lâu dài, bệnh nhân gút phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài các loại bệnh gout kể trên, còn một dạng tương tự gout và rất dễ nhầm lẫn đó là giả gút. Giả gút chính là tình trạng lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate, có các triệu chứng rất giống với bệnh gout, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng thường ít hơn. Sự khác nhau chủ yếu giữa hai hiện tượng này đó là với trường hợp giả gút, các khớp bị kích thích bởi tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate, trong khi đó với trường hợp gout, các khớp bị tác động bởi tinh thể urat, do đó quá trình điều trị cũng có nhiều khác biệt.

Triệu chứng bệnh gút

Để tránh nhầm lẫn với một số bệnh về xương khớp khác, bạn nên tìm hiểu chi tiết về các dấu hiệu bệnh gút theo từng giai đoạn. Ban đầu, một số người gặp tình trạng nồng độ axit trong máu tăng nhưng không biểu hiện bên ngoài. Theo thời gian, nồng độ này không giảm, gây ra sự tích tụ các tinh thể urat, hình thành cơn đau khớp.

Khi bị bệnh, các khớp tay, chân sưng đỏ
Khi bị bệnh, các khớp tay, chân sưng đỏ

Triệu chứng của bệnh gút thể lâm sàng bao gồm:

  • Đau dữ dội ở phần khớp ngón chân cái, mắt cá chân, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, thậm chí là khớp háng, vùng chậu, vai, cột sống, tuy nhiên những vị trí này ít xảy ra. Những cơn đau này sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn sau 4 – 12 giờ đầu tiên sau khi bệnh hình thành.
  • Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, tần suất đau thường tăng dần.
  • Các khớp bị gout thường sưng, mềm, nóng và ửng đỏ.
  • Khi bệnh gout tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh bị cản trở khả năng vận động, cầm nắm hay di chuyển.

Biểu hiện của bệnh gút thể mãn tính:

  • Sau một thời gian dài không được điều trị, hiện tượng tăng axit uric kéo dài gây lắng đọng ở các cơ quan tổ chức, hình thành nên các cục u như hạt tophi.
  • Người bệnh có cảm giác đau đớn dữ dội, các khớp sưng viêm mức độ nghiêm trọng và gần như không thể vận động.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh gout xuất hiện do sự dư thừa axit uric trong máu. Axit uric hình thành do quá trình phân hủy purin có nhiều trong các loại thịt, hải sản,… Thông thường hợp chất hóa học này được đào thải qua đường nước tiểu. Tuy nhiên nếu cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric sẽ tạo thành các tinh thể, gây viêm đau các khớp và mô xung quanh.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout bao gồm:

  • Di truyền: Khi trong gia đình có người từng mắc bệnh gout thì khả năng bạn bị bệnh cao hơn người bình thường.
  • Tuổi tác: Cơ thể nam giới sản xuất nhiều axit uric hơn nữ giới, do vậy tỷ lệ nam mắc bệnh thường cao hơn. Tuy nhiên nhiều trường hợp phụ nữ sau mãn kinh có mức axit uric gần bằng nam giới.
  • Ăn uống không lành mạnh: Nếu chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nấm, măng tây, nội tạng động vật,… hoặc đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao, gây bệnh gút.
Ăn quá nhiều hải sản sẽ tăng nguy cơ gây bệnh gout
Ăn quá nhiều hải sản sẽ tăng nguy cơ gây bệnh gout
  • Sinh hoạt thiếu khoa học: Người thường xuyên thức khuya, uống ít nước, không vận động, tập luyện thể dục thể thao, căng thẳng, stress có tỷ lệ mắc gút cao.
  • Thừa cân, béo phì: Với đối tượng này, khả năng đào thải axit uric yếu hơn nên khả năng mắc gut cao hơn 5 lần so với người bình thường.
  • Sử dụng chất kích thích: Bệnh gout có thể hình thành do sử dụng rượu bia, chất kích thích quá thường xuyên.
  • Lạm dụng thuốc: Lạm dụng quá nhiều thuốc lợi tiểu như thiazid, aspirin, furosemid, thuốc điều trị lao như pyrazinamid và một số nhóm thuốc khác cũng chính là nguyên nhân hình thành gout.

Bệnh gout có nguy hiểm không?

Bệnh gout có nguy hiểm không là băn khoăn của phần lớn các trường hợp bị bệnh. Chuyên gia cho biết, cơn đau và các triệu chứng của bệnh sẽ bùng phát tùy đợt, phụ thuộc chủ yếu vào mức độ bệnh. Có người vài tháng gặp một lần nhưng cũng có trường hợp vài năm mới khởi phát bệnh. Gout gây ra những cơn đau nhức, sưng viêm khó chịu, cản trở khả năng vận động của người bệnh, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt.

Nếu không tìm biện pháp cải thiện từ sớm, người bệnh có khả năng cao gặp biến chứng của gout, đe dọa sức khỏe, tính mạng như:

  • Sỏi thận: Gout phát triển đến giai đoạn mãn tính sẽ gây lắng đọng muối urat ở thận, hình thành sỏi thận. Khi đó người bệnh rất dễ bị suy giảm chức năng thận, tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài ra, mức độ lọc của cầu thận cũng bị ảnh hưởng.
  • U cục tophi: Cục tophi xuất hiện bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường các khối này hình thành ở quanh ngón tay, ngón chân, đầu gối, tai. Khi không được điều trị từ sớm, cục tophi sẽ phát triển lớn hơn, cản trở khả năng vận động của các khớp.
  • Tổn thương khớp: Gout thường gây tổn thương khớp, khiến các khớp bị suy giảm chức năng, thậm chí có nguy cơ bị liệt, tàn phế vĩnh viễn.
  • Ảnh hưởng tim mạch: Các tinh thể urat có thể tích tụ ở tĩnh mạch, động mạch, mạch máu của tim, từ đó cản trở quá trình máu lưu thông, đe dọa tính mạng.
  • Đột quỵ, tai biến: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh gout đó là gây ra tình trạng huyết áp cao, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,..
  • Bại liệt, tàn phế: Hiện tượng biến dạng khớp lâu ngày sẽ gây cứng khớp, xơ hóa dây chằng bao hoạt dịch, khi đó bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong vận động, tăng nguy cơ tàn phế, bại liệt.
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị tàn phế
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị tàn phế

Bệnh gút có chữa được không?

Rất nhiều người bệnh lo lắng liệu bệnh gút có chữa khỏi được không. Các chuyên gia cho biết, gút là hiện tượng liên quan đến rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể, do vậy khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Trong trường hợp gút cấp tính, người bệnh được chỉ định dùng một số loại thuốc Tây nhằm mục đích giảm đau, kháng viêm nhanh, kiểm soát lượng axit uric trong máu để chúng ổn định hơn. Tuy nhiên thuốc tân dược chỉ cho hiệu quả ở giai đoạn ban đầu, không thể điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh.

Khi gút tiến triển ở giai đoạn nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần phải áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng gan, thận, hỗ trợ kiểm soát axit uric trong máu, kết hợp điều trị các tình trạng rối loạn chuyển hóa đi kèm.

Mặc dù không thể chữa khỏi dứt điểm, tuy nhiên bạn vẫn có thể đẩy lùi các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng gây ảnh hưởng sức khỏe, tiềm ẩn biến chứng. Do đó người bệnh không được thờ ơ, chủ quan, cần tìm biện pháp can thiệp từ sớm.

Phương pháp chẩn đoán

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán gút, được tiến hành dễ dàng. Trong trường hợp người bệnh có những biểu hiện rõ ràng của gout như sưng, viêm ở các khớp, ngón tay, ngón chân, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng này, tiền sử bệnh lý để chẩn đoán.

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân mô tả về các cơn đau khớp, tần suất đau khớp dữ đội, các vị trí bị đau, cùng với đó là thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống tại nhà. Sau quá trình thăm khám lâm sàng, nếu chưa thể tìm ra nguyên nhân, mức độ bệnh một cách chính xác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp khác như:

Chẩn đoán bệnh gout giúp xác định nguyên nhân, mức độ bệnh
Chẩn đoán bệnh gout giúp xác định nguyên nhân, mức độ bệnh
  • Chụp X-quang hoặc chụp CT năng lượng kép: Thông qua quá trình chụp chiếu, hình ảnh hiển thị sẽ giúp bác sĩ xác định mức độ và vị trí tổn thương ở các khớp, sự xuất hiện các tinh thể uric trong khớp, đồng thời loại trừ khả năng bị các vấn đề về xương khớp khác.
  • Xét nghiệm máu: Lấy mẫu máu của bệnh nhân để phân tích sẽ giúp kiểm tra nồng độ axit uric và creatinin trong máu. Tuy nhiên cần dựa vào biểu hiện lâm sàng để kết luận liệu người bệnh có đang bị gút hay không. Rất nhiều trường hợp có nồng độ axit uric trong máu cao nhưng không phải gout, ngược lại nồng độ này hoàn toàn bình thường nhưng lại có triệu chứng gout.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Đây được xem là phương pháp chẩn đoán gout hiệu quả nhằm loại trừ tình trạng tinh thể khác. Khi tiến hành, bác sĩ sẽ sử dụng cây kim chuyên dụng để lấy một mẫu chất lỏng hoạt dịch ở khớp. Chất lỏng lúc này được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tinh thể urat.
  • Siêu âm: Siêu âm cơ xương khớp sẽ giúp phát hiện tinh thể uric xuất hiện trong khớp hoặc trong một tophi.

Tùy từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một hoặc kết hợp nhiều phương pháp để tìm ra nguyên nhân, vị trí và xác định chính xác mức độ bệnh đang gặp phải.

Cách điều trị bệnh gout hiệu quả

Mặc dù không thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh vẫn được khuyến khích nên tìm các biện pháp can thiệp từ sớm để giảm đau, chống viêm, ngăn ngừa bệnh tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng, đặc biệt tránh biến chứng nguy hiểm. Mỗi mức độ bệnh khác nhau sẽ có thể áp dụng biện pháp điều trị riêng, cụ thể:

Điều trị nội khoa

Sau khi thăm khám, chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc điều trị gout với tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm, kiểm soát các triệu chứng của gout cấp. Thuốc Tây y thường cho hiệu quả nhanh chóng nhưng có thể tiềm ẩn tác dụng phụ, do vậy bạn nên tuân thủ đúng chỉ định bác sĩ, không tự ý mua về sử dụng.

Người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc
Người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc
  • Thuốc giảm đau không chứa steroid: Bao gồm các loại như ibuprofen, aspirin, ketoprofen, indomethacin, naproxen,… với khả năng chống viêm, giảm đau tức thời. Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ cho tác dụng trong thời gian ngắn, có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan, thận, tim mạch,…
  • Corticosteroid: Loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc NSAIDs, có thể sử dụng theo đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Bên cạnh khả năng giảm đau, chống viêm thì corticosteroid cũng gây ra một số vấn đề như đái tháo đường, loãng xương, tăng huyết áp, nhiễm trùng, đục thủy tinh thể,….
  • Thuốc giảm axit uric máu: Loại thuốc điều trị gout này có khả năng làm hạ nồng độ axit uric trong máu, từ đó giảm tính nghiêm trọng của các đợt viêm cấp, hạn chế biến chứng xảy ra. Trong trường hợp bệnh nhân chưa từng dùng liệu pháp hạ axit uric máu trước đây thì không nên dùng loại thuốc này, tuy nhiên nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ axit uric nhưng cơn đau gout xuất hiện thì không nên ngưng dùng thuốc.
  • Colchicine: Đây cũng là thuốc thường được chỉ định để đẩy lùi cơn gút cấp hoặc mãn tính với tác dụng kháng viêm chọn lọc, giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, colchicine liều cao có thể gây độc tính, gây suy gan, thận, suy tủy xương.

Can thiệp ngoại khoa

Biện pháp can thiệp ngoại khoa ứng dụng cho bệnh gout thường là cắt bỏ cục tophi. Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp bội nhiễm nốt tophi, bệnh gút kèm theo biến chứng loét, nốt tophi kích thước lớn gây mất thẩm mỹ hoặc cản trở khả năng vận động, suy giảm chức năng khớp, đau đớn dữ dội.

  • Hút dịch tophi: Bác sĩ tiến hành tách và cắt nhiều vết nhỏ bên dưới da, ngay chỗ xuất hiện hạt tophi, sau đó hút chất lỏng dịch bên trong, loại bỏ cặn bột của natri urat.
  • Phẫu thuật hợp nhất khớp: Trong trường hợp hạt tophi khiến khớp không ổn định, bị tổn thương, bệnh nhân được chỉ định hợp nhất khớp. Lúc này các khớp nhỏ được hợp nhất với nhau để giảm đau, đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên về sau người bệnh có khả năng bị hạn chế vận động, các khớp kém linh hoạt.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn: Phương pháp này nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn hạt tophi nhưng không làm tổn thương hay phá hủy khớp, các mô xung quanh.
  • Thay khớp: Nếu hạt tophi khiến các khớp tổn thương, không thể phục hồi, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thay thế toàn bộ khớp giúp giảm đau, phục hồi chức năng.
Phẫu thuật trong trường hợp bệnh nghiêm trọng
Phẫu thuật trong trường hợp bệnh nghiêm trọng

Áp dụng mẹo tại nhà

Với đối tượng bị gout giai đoạn đầu, các triệu chứng nhẹ, chưa chuyển sang giai đoạn mãn tính, hoàn toàn có thể áp dụng mẹo tại nhà để cải thiện, giảm đau, kháng viêm. Phương pháp này được nhiều người lựa chọn bởi độ an toàn cao, hiệu quả tích cực, tiết kiệm chi phí.

  • Dùng lá lốt: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lá lốt chứa hàm lượng lớn flavonoid – chất chống oxy hóa có tác dụng giảm đau khớp, ức chế quá trình thoái hóa khớp, cải thiện cảm giác khó chịu cho người bệnh. Theo đó, nguyên liệu này có thể bảo vệ khớp, tăng độ bền cùng chức năng của mô sụn. Bạn chuẩn bị 1 nắm lá lốt rửa sạch, phơi khô, mỗi lần bạn lấy từ 5 – 10g lá lốt đun khô cùng 2 chén nước trên lửa nhỏ cho đến khi còn 1 chén thì tắt bếp. Lấy phần nước này uống vào tối trước khi đi ngủ, mỗi ngày 1 lần và kiên trì trong 30 ngày.
  • Lá trầu không: Loại lá này có chứa nhiều hoạt chất như eugenol, estragol, chavibetol, chavicol,… với tác dụng kháng viêm, cải thiện đau nhức xương khớp, sưng đỏ hiệu quả, hỗ trợ ngăn ngừa và phục hồi khớp hư tổn. Chuẩn bị 100g lá trầu không tươi cùng 1 quả dừa. Đầu tiên bạn mang lá trầu không đi rửa sạch, để ráo rồi xay nhuyễn. Dừa cắt phần đầu để tạo thành lỗ phía trên, cho phần trầu không đã xay vào. Đậy kín nắp, sau đó 30 phút lấy ra gạn bã, dùng nước uống trước khi ăn sáng 1 giờ, mỗi tuần thực hiện 3 – 4 lần, kiên trì trong 3 tuần.
  • Lá tía tô: Lá tía tô chứa 2 thành phần chính là perilla aldehyde và phenylpropanoid có thể điều chỉnh nồng độ axit uric trong máu, ngăn ngừa các tinh thể lắng đọng, đồng thời cải thiện tình trạng sưng, viêm và giảm đau nhanh chóng. Bạn lấy khoảng 12 lá tía tô rửa sạch, cho vào nồi và thêm 1 lít nước để đun sôi trong 20 phút. Lúc này lấy phần nước uống hết trong này, nên áp dụng từ 10 – 20 ngày để thấy rõ hiệu quả.
Lá tía tô đẩy lùi các triệu chứng của gút
Lá tía tô đẩy lùi các triệu chứng của gút

Lưu ý phòng ngừa gout

Để có thể phòng ngừa bệnh gout, đồng thời hỗ trợ đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng khi bệnh tái phát, bạn cần đặc biệt chú ý một số vấn đề dưới đây:

  • Cần luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, giúp xương khớp dẻo dai, linh hoạt.
  • Chú ý duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để tình trạng thừa cân, béo phì sẽ tăng nguy cơ bị gout.
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất từ sữa ít béo, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc.
  • Hạn chế dung nạp thực phẩm chứa nhiều purin như các loại thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, ngoài ra hải sản cũng là thức ăn bạn không nên bổ sung quá nhiều khi bị gout.
  • Uống nhiều nước lọc hàng ngày, có thể kết hợp thêm sinh tố trái cây, rau củ.
  • Tránh xa chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê vì chúng là tác nhân gây bệnh gout.
  • Không nên lao động quá sức, mang vác vật quá nặng vì chúng tạo áp lực cho hệ xương khớp, rất dễ gây tổn thương và làm xuất hiện các vấn đề về khớp.
  • Thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện những bất thường, đặc biệt là các triệu chứng nghi ngờ bị gout.

Bệnh gout không phải là hiếm gặp hiện nay, thậm chí số ca mắc ngày càng tăng do nhiều yếu tố tác động. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, cản trở vận động, đặc biệt còn tiềm ẩn nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng. Bởi thế bạn cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa và điều trị, nên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm xử lý vấn đề bất thường nếu có.

Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mắc Bệnh Gout Kiêng Gì Để Kiểm Soát Bệnh Hiệu Quả
[Góc Chuyên Gia] Bệnh Gout Kiêng Gì Để Kiểm Soát Bệnh Hiệu Quả?

Nội dung chínhBệnh gout là bệnh gì? Phân loại cụ thểTriệu chứng bệnh gútNguyên nhân gây bệnhBệnh gout có nguy hiểm không?Bệnh gút có chữa...