Paracetamol và những điều cần biết
Ngày 12/9, một bệnh nhân sinh năm 1995 ở Sơn La đã tử vong sau khi uống 19 viên paracetamol để hạ sốt chỉ trong 2 ngày. Trường hợp đáng tiếc này là đòn cảnh tỉnh mọi người cần chú ý hơn khi dùng paracetamol – một loại thốc thông dụng. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về loại thuốc thông dụng này.
Paracetamol là gì?
Paracetamol, còn được gọi là acetaminophen, là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin. Paracetamol được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Paracetamol được dùng giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa. Thuốc có hiệu quả nhất là làm giảm đau cường độ thấp.
Paracetamol được sử dụng rộng rãi để giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, khi sốt có thể có hại hoặc khi hạ sốt, người bệnh sẽ dễ chịu hơn. Tuy vậy, liệu pháp hạ sốt nói chung không đặc hiệu, không ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh cơ bản, và có thể che lấp tình trạng bệnh của người bệnh.
Sử dụng Paracetamol đúng cách
Liều dùng:
Ðể giảm đau hoặc hạ sốt cho người lớn và trẻ em trên 11 tuổi, liều paracetamol thường dùng uống hoặc đưa vào trực tràng là 325 – 650 mg, cứ 4 – 6 giờ một lần khi cần thiết, nhưng không quá 4 g một ngày.
Ðể giảm đau hoặc hạ sốt, trẻ em có thể uống hoặc đưa vào trực tràng cứ 4 – 6 giờ một lần khi cần, liều xấp xỉ như sau: trẻ em 11 tuổi, 480 mg; trẻ em 9 – 10 tuổi, 400 mg; trẻ em 6 – 8 tuổi, 320 mg; trẻ em 4 – 5 tuổi, 240 mg; và trẻ em 2 – 3 tuổi, 160 mg.
Trẻ em dưới 2 tuổi có thể uống liều sau đây, cứ 4 – 6 giờ một lần khi cần: trẻ em 1 – 2 tuổi, 120 mg; trẻ em 4 – 11 tháng tuổi, 80 mg; và trẻ em tới 3 tháng tuổi, 40 mg. Liều trực tràng cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng tùy theo mỗi bệnh nhi.
Chống chỉ định
Những người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan, mẫn cảm với paracetamol hoặc bị thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydro-genase không được sử dụng loại thuốc này.
Với phụ nữ mang thai và cho con bú,
Chưa xác định được tính an toàn của paracetamol dùng khi thai nghén liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với phát triển thai. Do đó, chỉ nên dùng paracetamol ở người mang thai khi thật cần.
Những lưu ý sau khi uống thuốc
Dấu hiệu ngộ độc cấp paracetamol ở trẻ em: thể hiện khi trẻ dùng quá liều là đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở…Trong trường hợp này, phải đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu và trẻ sẽ được uống acetylcystein để giải độc paracetamol.
Đối với người lớn, thường ít xảy ra ngộ độc cấp mà là bị ngộ độc trường diễn và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em nhưng không rõ rệt. Khi sử dụng quá liều paracetamol ta cần phải dùng thuốc giải độc paracetamol có tên acetylcystein để giúp gan tự phục hồi. Nếu gan đã bị tổn thương nặng thì sẽ không thể tự hồi phục và dẫn tới suy gan, có thể tử vong.
Khi phát hiện những biểu hiện trên cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời và hạn chế những trường hợp nguy hiểm. Đặc biệt, khi sử dụng paracetamol nên thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Mai Lê
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!